U23 Việt Nam khép lại vòng bảng với hai trận toàn thắng trước U23 Lào và U23 Campuchia. Các học trò của HLV Kim Sang Sik ghi 5 bàn, thủng lưới 1 bàn.
Đáng chú ý, những trung vệ lại ghi bàn tốt hơn. Hiểu Minh lập cú đúp còn Phạm Lý Đức cũng có một bàn thắng. Cả ba pha lập công đều từ các tình huống cố định. Ngoài ra, trung vệ Phạm Lý Đức còn bị từ chối một bàn thắng với nhận định lỗi việt vị từ trọng tài.
Hai pha lập công còn lại thuộc về Khuất Văn Khang và Đình Bắc. Chia sẻ về sự thú vị này, HLV Kim Sang Sik nói: “Chúng tôi đã có 3 bàn thắng từ các tình huống cố định nhờ các trung vệ. Hy vọng họ sẽ tiếp tục ghi bàn ở bán kết. Dĩ nhiên, tôi cũng mong các cầu thủ khác có thể tỏa sáng nhiều hơn”.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc có thể hài lòng về việc các hậu vệ “biết” ghi bàn nhưng đó cũng là nỗi trăn trở bởi khả năng dứt điểm của các chân sút trên hàng công còn hạn chế.
Ở vòng bảng, U23 Việt Nam là đội có số cú sút trung bình mỗi trận cao nhất với 43 tình huống dứt điểm. Trong đó có 14 pha dứt điểm trúng đích. Tuy vậy, hiệu suất ghi bàn không cao khi cần 8,6 cú sút mới có bàn. Chỉ số này với U23 Indonesia là 6,2 hay U23 Philippines là 6,75.
Do đó, tiền vệ Xuân Bắc tiết lộ: “HLV Kim Sang Sik đã nhắc nhở toàn đội cần tập trung rèn luyện thêm về khả năng dứt điểm và phải tự tin hơn khi có cơ hội trước khung thành”.
Đó là nỗi lo bởi U23 Lào và U23 Campuchia là đội bóng yếu, khó có thể tạo ra sự cân bằng về phòng ngự - tấn công. Trong khi đó, U23 Philippines có trình độ cao hơn. Nếu không tận dụng cơ hội ghi bàn, khả năng U23 Việt Nam trả giá là điều có thể xảy ra.
Ở cấp độ ĐTQG, tháng 3 vừa rồi, HLV Kim Sang Sik cũng rơi vào trường hợp các tiền vệ và hậu vệ ghi bàn giỏi hơn tiền đạo ở hai trận gặp Lào, Campuchia. Chỉ hậu vệ Văn Vĩ ghi đến 3 bàn thắng.
Dù vậy, khi đối đầu với đối thủ mạnh hơn là Malaysia, khả năng dứt điểm của hàng công mới bộc lộ khi không có sự đột biến để ghi bàn.
Hậu vệ ghi bàn sẽ có thêm một sự sẻ chia cho hàng công song trước các đối thủ mạnh, các tiền đạo cần chứng tỏ khả năng của mình.